Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Vì sao bạn không sử dụng được tiếng Anh?

Mấy hôm nay đọc báo thấy việc dạy và học tiếng Anh được bàn luận sôi nổi, cãi qua cãi lại, người ta suy ra nguyên nhân dẫn đến việc HSSV học tiếng Anh nhiều năm vẫn không sử dụng được là: 
- Giáo viên kém chuẩn
- Chương trình kém hấp dẫn
- Cách thi cử nặng về ngữ pháp hiện nay. 

Bản thân là người thích tiếng Anh, có thời gian học cũng kha khá, và cũng gọi là đã có chút kinh nghiệm đi dạy ở trường công lập lẫn trung tâm ngoại ngữ, mình nghĩ rằng nguyên nhân lớn nhất là ở người học (hehe). Mình đã từng gặp nhiều người thất bại trong việc học tiếng Anh, và họ có 1 vài đặc điểm sau:

1. Không xác định được trình độ của mình đang ở đâu và mục tiêu học tiếng Anh để làm gì, nên học hoài không hiểu và không áp dụng được trong thực tế công việc đâm ra nản.

2. “Đầu voi đuôi chuột”, lúc bắt đầu luôn luôn hào hứng và tưởng tượng ra kết quả rất khả quan, nhưng không đề ra kế hoạch cụ thể, “lỡ” có đề ra được kế hoạch thì lại không đủ quyết tâm để đi theo kế hoạch đã vạch ra. Tóm lại là LƯỜI.

3. Đổ thừa hoàn cảnh rằng không có môi trường tiếp xúc. Các bạn hay lầm tưởng tiếp xúc ở đây là phải nói chuyện trực tiếp với người nước ngoài. Thực tế thì đó không phải là cách duy nhất. Nghe nhạc, đọc sách, báo… cũng là những cách tiếp xúc với tiếng Anh đó thôi.

4. Ngại sai nên chả dám mở miệng hay đặt bút viết câu gì.

Ngoài ra thì mình có 1 vài suy nghĩ thế này nữa:

1. Giọng chuẩn: nhiều người vẫn nghĩ phải là giọng Anh giọng Mỹ giọng Úc mới chuẩn. Thực tế thì: mình đã từng ngồi nghe 1 người nói giọng Úc bản xứ kể chuyện cười mà mình chỉ biết cười trừ vì không hiểu gì cả; mình đã từng làm việc với người Thổ Nhĩ Kỳ, họ có cách phát âm và nhấn câu khác những giọng kể trên nhưng việc giao tiếp giữa mình và họ rất ổn, công việc thuận lợi; chị dâu mình người Quảng Bình làm cho công ty Malaysia lương tháng ngàn đô, mỗi lần nghe chị nói tiếng Anh trên điện thoại là mình cười bò và thỉnh thoảng còn chọc ghẹo  , nhưng không kém phần khâm phục vì chị làm việc tốt, giao tiếp người ta hiểu được…. Tóm lại, trong văn nói, giọng gì không quan trọng, quan trọng là phát âm chính xác, câu cú ngắn gọn, nội dung rõ ràng, đối tác hiểu, theo mình như vậy là giao tiếp thành công. Bản thân mình cũng không cố gắng bắt chước giọng Anh/Mỹ/Úc làm gì, chỉ quan trọng rèn luyện phát âm đúng thôi.

2. Cái này liên quan đến cái sự Ngại sai ở trên. Sau 1 thời gian đi dạy thì mình nghiệm ra 1 điều là khi người học không nói hoặc không viết được không hẳn là họ ngại sai mà là họ KHÔNG CÓ CÁI GÌ ĐỂ NÓI/VIẾT. Nguyên nhân là kiến thức nền quá kém. Giáo viên có thể dạy ngữ pháp, sửa cách dùng từ ngữ câu cú, chứ về mặt ý tưởng mà người học không có thì chịu thua thôi!!!

Mình quan niệm ngôn ngữ chỉ là “lớp vỏ” của tư duy nên việc đọc sách báo, tìm hiểu kiến thức luôn phải được chú trọng. Khi có nội dung để nói/viết rồi thì tiếng Anh hay tiếng Việt chỉ còn là sự lựa chọn hình thức thể hiện thôi. Vì thế, đối với người học, mình chỉ có 2 lời khuyên cơ bản hay nhắc đi nhắc lại:

1. Chăm đọc sách báo bổ sung kiến thức
2. Suy nghĩ ý tứ thật rõ ràng trong đầu (bằng tiếng Việt cũng được) trước khi diễn đạt ra. Giỏi thì nói/viết hay, dở hơn thì nói/viết đủ để người ta hiểu. Quan trọng là mình muốn giỏi hay dở để mà biết đường cố gắng rèn luyện thêm hay hài lòng dừng lại 

Tóm lại, người học là nguyên nhân chủ quan, 3 cái đã nêu ở mở bài là nguyên nhân khách quan. Bạn không thể thay đổi hoàn cảnh được, thì hãy thay đổi bản thân để phù hợp với hoàn cảnh.

Mà nói là nói vậy thôi chứ mình mong cái hoàn cảnh hiện tại nó thay đổi lắm đặc biệt là chuyện thi cử và sách giáo khoa 


Tags: luyen thi ielts; hoc ielts; de thi ielts; tai lieu luyen thi ielts

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét